Trương Ngọc Phú - David Trương

Blog cá nhân chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư nhà đất, nghề bất động sản, trải nghiệm cuộc sống.

Kinh tế Việt Nam dưới ảnh hưởng của đại dịch Corona

Đại dịch Corona vẫn trong những ngày căng thẳng, cả thế giới đang trong giai đoạn tăng cường sự kiểm soát và giám sát. Tại Trung Quốc, các dự báo cho thấy dịch bệnh có thể sẽ lên tới cao trào trong những tuần tới, mọi hoạt động giao thương dường như trì trệ, điều này đang tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam.

Trong những ngày nay, các trường học tại Việt Nam vẫn đang kéo dài thời gian nghỉ cho học sinh sinh viên để hạn chế sự lây lan. Dù các cơ quan, doanh nghiệp vẫn đi làm bình thường nhưng hầu hết ai cũng trong tâm thế dè chừng, hạn chế mọi hoạt động thường ngày. Chính vì vậy, ngay cả ở những thành phố lớn, các đường phố cũng vắng vẻ hơn trước, hàng quán không còn kinh doanh tấp nập.

Sự lây lan dịch bệnh tại Trung Quốc đang gián đoạn nhiều hoạt động giao thương với Việt Nam. Hai ngành kinh tế có thể thấy được sự tổn thất rõ nhất chính là du lịch và xuất khẩu nông sản.

Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư đã dự trù hai kịch bản tăng trưởng. Kịch bản 1 là, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý 1, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt khoảng 6,27%. Kịch bản 2, nếu dịch bệnh đến quý 2 mới được kiểm soát, tỷ lệ này dự báo chỉ đạt 6,09% .

Trước thời điểm các biện pháp hạn chế du lịch được ban hành, đã có đến hơn 640 ngàn du khách Trung Quốc đến Việt Nam, tăng hơn 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sau lệnh ngưng tất cả các chuyến bay đến và đi Trung Quốc, cấp visa cho khách Trung Quốc hoặc khách nước ngoài từng đến Trung Quốc,... đang kéo con số xuống mức sụt giảm đáng kể. Theo một số dự báo,  dịch virus corona có thể khiến ngành du lịch Việt Nam thất thu từ 5,9 tỷ đến 7,7 tỷ đôla trong ba tháng tới.

Một phong trào dễ nhận thấy gần đây chính là giải cứu các mặt hàng nông sản cho nông dân trong nước như dưa hấu, thanh long, sầu riêng, bắp cải,... Nguyên nhân xuất phát  từ việc hàng hóa bị ứ đọng tại biên giới do các bên hạn chế giao dịch. Không thể xuất khẩu, hàng hóa buộc phải quay đầu để tiêu thụ trong nước với giá bán giảm dần. Cụ thể, dưa hấu từ 6000 đồng/kg đã giảm chỉ còn 1000 đồng/kg; nhiều nông dân khóc ròng vì tiền thu về còn chưa được nửa số vốn bỏ ra.

Việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc vốn bắt nguồn từ việc dễ và gần nên phần lớn xem đây là nguồn tiêu thụ chính. Khi xảy ra sự cố, không có phương án và thị trường dự phòng dẫn đến tình trạng hàng hóa ứ đọng, bán tháo bán lỗ.

Giai đoạn này cần có thái độ bình tĩnh và cái nhìn lạc quan để giải quyết vấn đề, trong khó khăn sẽ tìm được cơ hôi. Nếu như hàng xuất khẩu  từ Trung Quốc vào các nước giảm thì đây là dịp để các doanh nghiệp trong nước chớp lấy việc phát triển và phân phối, tăng cường xuất khẩu. Theo các nhà kinh tế, dịch bệnh lần này cũng chính là cơ hội để chúng ta nhìn lại nền kinh tế, tìm cách phát triển, giao thương với nhiều thị trường mới để giải quyết câu chuyện tìm “đầu ra” đa dạng cho hàng hóa Việt Nam, tránh những tác động không mong muốn như thời gian qua.

Xem thêm: