Trương Ngọc Phú - David Trương

Blog cá nhân chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư nhà đất, nghề bất động sản, trải nghiệm cuộc sống.

Phong cách tân cổ điển & những điều cần biết trong xây dựng

Phong cách tân cổ điển vốn đã xuất hiện khá lâu tại Việt Nam. Rất nhiều công trình được xây dựng theo phong cách này đến nay vẫn được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ.

Phong cách tân cổ điển cùng phong cách hiện đại là hai xu hướng chủ đạo trong xây dựng nhà ở suốt nhiều năm qua. Sở hữu những ưu điểm và giá trị riêng về cái đẹp, những phong cách này luôn được ưa chuộng. Tuy nhiên, phong cách tân cổ điển với sự cầu kỳ, đòi hỏi kiến thức và tay nghề cao thường mất khá nhiều chi phí để hoàn thiện nhưng thực tế cho thấy, phong cách này lại có phần nổi trội những năm gần đây. Điển hình là sự xuất hiện ngày càng nhiều dự án nhà phố tân cổ điển từ các ông lớn trong ngành bất động sản.

Phong cách tân cổ điển

Được lựa chọn phổ biến là thế nhưng thực tế, không nhiều người thực sự hiểu về nguồn gốc, lịch sử và ứng dụng của phong cách này vào xây dựng ra sao. Trước khi lựa chọn phong cách tân cổ điển cho ngôi nhà của mình, hãy học cách hiểu về nó, để biết rằng bạn chọn vì thích hay chỉ đơn giản là chạy theo xu hướng nhé!

Phong cách tân cổ điển là gì?

Trang Britannica- một trong số Bách khoa toàn thư có danh tiếng và đáng tin cậy nhất đã đưa ra cách định nghĩa về phong cách tân cổ điển như sau: Kiến trúc tân cổ điển (Neoclassical Architecture) là “sự hồi sinh của Kiến trúc Cổ điển trong suốt thế kỷ 18 và đầu thế kỉ 19. Nếu trước đó, cả thế giới chứng kiến sự lan tỏa của kiểu kiến trúc Phục Hưng từ thế kỷ 14, bắt nguồn từ vùng Tuscany của Ý với tư tưởng phục dựng lại thời kỳ Hy Lạp cổ đại, thí Kiến trúc Tân cổ điển lại được đặc trưng bởi quy mô, sự đơn giản từ hình khối, nhắc lại chi tiết thức cột, chủ yếu là Doric, sử dụng các cột này để gây ấn tượng và ưu tiên các mảng tường trống. Hương vị mới của sự đơn giản cổ xưa đã đánh bại sự thái quá của phong cách Rococo vốn nặng về trang trí rườm rà”.

Hoặc theo Wikipedia, có thể hiểu ngắn gọn hơn rằng “Kiến trúc tân cổ điển là một phong cách kiến ​​trúc do trào lưu tân cổ điển tạo ra, bắt đầu vào giữa thế kỷ 18. Kiến trúc Tân cổ điển thuần túy là sự kết hợp chủ yếu giữa kiến trúc cổ đại Hy - La, các nguyên tắc kiến trúc của Vitruvius và phong cách của kiến trúc sư người Ý Andrea Palladio”.

Hiện nay,các quốc gia Trung và Đông Âu vẫn xem kiểu kiến trúc này là cổ điển, và phong cách tân cổ điển chỉ dành cho những kiến trúc bắt đầu từ thế kỷ thứ 19 đến nay.

Nguồn gốc lịch sử phong cách tân cổ điển

Nguồn gốc và lịch sử của phong cách Tân cổ điển tại Việt Nam

Từ giữ thế kỷ XVIII, phong trào tân cổ điển bắt đầu từ nguồn gốc kiến trúc của thời Hy Lạp cổ đại. Chủ nghĩa Tân cổ điển được bắt đầu ở Pháp và nhanh chóng phát triển mạnh mẽ ở Hoa Kỳ và châu u với nhiều công trình nổi tiếng; được ứng dụng vào những hạng mục xây dựng quan trọng.

Việt Nam đã từng là thuộc địa của Pháp trong gần một trăm năm, Kiến trúc Pháp cuối thế kỷ 19 thịnh hành với chủ nghĩa Tân cổ điển cũng bắt đầu từ đây du nhập vào nước ta. Tuy nhiên, để phù hợp với văn hóa, khí hậu và vật liệu xây dựng của người Việt, phong cách này không được giữ nguyên bản mà được điều chỉnh dần (theo kienviet.net).

Từ thời điểm xuất hiện tại Việt Nam đến nay, phong cách tân cổ điển đã bị thay đổi khá nhiều, dù không còn là “bản gốc” nhưng những thiết kế này vẫn thể hiện được sự sang trọng, đẳng cấp nhưng không kém phần tinh tế, trang nhã.

Ứng dụng phong cách tân cổ điển vào xây dựng

Trong xây dựng, phong cách tân cổ điển thường mang những đặc trưng nổi bật như sau:

  • Lấy điểm nhấn vào các cột, chân tường, mảng tường.
  • Đề cao tính cân bằng và đối xứng.
  • Khối điêu khắc, phù điêu bằng phẳng, tinh giản.

Ứng dụng trong xây dựng

Màu sắc trong phong cách tân cổ điển

Màu sắc trong thiết kế tân cổ điển rất quan trọng, nó quyết định phần lớn việc thể hiện thành công các ý tưởng hay không. Để không gian nội thất tân cổ điển thể hiện được phong cách đặc trưng thì cần phải đưa ra được cách phối màu phù hợp, chủ yếu hướng đến các gam màu sáng và những sắc màu nhấn nhá như vàng, đỏ, rêu,… là các tone màu của vua chúa, quý tộc.

Các kiến trúc sư thường tập trung chủ yếu vào màu của nội thất và màu sơn tường, tạo một thể thống nhất hài hòa, không nhàm chán, đơn điệu hay cầu kỳ, rườm rà. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng nội thất với các gam màu vàng, bạc, ánh kim cùng những đường nét cổ kính, có thể sẽ làm mất đi vẻ đẹp cách tân và tươi trẻ trong phong cách tân cổ điển.

Phong cách tân cổ điển đang là xu hướng hiện nay trong thiết kế cũng như lựa chọn nội thất, bài trí không gian. Đây là phong cách có tính thẩm mỹ cao tuy nhiên cần phải hiểu về chúng nếu muốn tạo ra thành phẩm hoàn thiện và thể hiện đúng tinh thần của nó.

Xem thêm: