Sắp tới đây, sẽ có nhiều văn bản mới được ban hành, tạo ra sự tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bất động sản.
Trong thời gian qua, các vướng mắc về thủ tục bất động sản đã tạo ra những khó khăn không nhỏ cho nguồn cung trên thị trường nhà đất. Theo đó, giai đoạn này, các văn bản ra đời nhằm mục đích tháo gỡ vướng mắc. Được biết, đây đều là những văn bản quan trọng của Bộ Xây dựng, có ý nghĩa lớn đối với thị trường bất động sản.
Hệ lụy từ vướng mắc pháp lý
Tại hội thảo “Bất động sản Việt Nam, bình thường mới, nhu cầu mới, xu thế mới”, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định, Việt Nam là một trong những điểm sáng về bất động sản trong 2 năm qua. Dù dịch bệnh có giai đoạn căng thẳng nhưng không phải tỉnh nào cũng tăng trưởng âm. Thực ra, thị trường chỉ tạm chững lại, nhu cầu và lượng quan tâm vẫn âm thầm tăng. Điều này cũng có thể thấy thông qua việc nhà đất Bình Dương liên tục tăng nóng sau mỗi đợt dịch.
Vì vậy, vị chuyên gia này cho rằng, đầu tư BĐS dù các vấn đề về pháp lý, luật kinh doanh BĐS, luật Đất đai vẫn còn nhiều điểm cần chỉnh sửa nhưng thực sự rất đáng để kỳ vọng.
Chuyên gia kinh tế Đặng Hùng Võ cũng đồng tình, những tồn đọng trong khung pháp lý đã tồn tại từ trước khi COVID – 19 bùng phát. Nổi cộm là BĐS du lịch, nghỉ dưỡng và Luật Đất đai.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, vài năm gần đây, trong số gần 5.000 dự án BĐS được triển khai, ngoài những dự án hoàn thành thì hàng ngàn dự án khác gặp vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý, phải chờ đợi thời gian xử lý rất lâu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung, số lượng sản phẩm mới được chào bán.
Điều chỉnh và thay đổi là hệ quả tất yếu
Trước những vướng mắc tồn tại suốt một thời gian trên thị trường, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, Bộ Xây dựng đang cùng với các bộ, ngành khác tìm cách tháo gỡ bằng việc sửa đổi Luật Xây dựng và Luật Đầu tư 2020.
Cụ thể, trong năm 2021 sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh BĐS và Nghị định về hệ thống thông tin thị trường BĐS. Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS nhận định đây sẽ là 2 văn bản mang tính ảnh hưởng chủ đạo tới thị trường.
Cũng theo ông Khởi, Bộ Xây dựng đang đề xuất chỉnh sửa Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở cho phù hợp với Luật Đất đai mới, phù hợp với chương trình của Quốc hội vì Luật Đất đai sẽ được sửa trong năm tới. Cùng với đó, Chính phủ cũng đang chuẩn bị trình Quốc hội thông qua một luật và sửa 10 luật.
Đánh giá về vấn đề pháp lý bất động sản, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế cho rằng, khi vấn đề này được giải quyết, nguồn cung trên thị trường sẽ tăng nhanh, như vậy, thị trường đang tốt sẽ có đà để tốt hơn.
Với những thay đổi mang chiều hướng tích cực, vấn đề pháp lý của bất động sản thời gian tới có thể sẽ “dễ thở” hơn. Nhà đầu tư và doanh nghiệp hoàn toàn có thể đặt kỳ vọng vào bức tranh mang gam màu tươi sáng.
Xem thêm: