Trương Ngọc Phú - David Trương

Blog cá nhân chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư nhà đất, nghề bất động sản, trải nghiệm cuộc sống.

Ngành sale: tổng quan và định hướng lựa chọn

Ngành sale là một trong các ngành hot nhất hiện nay, thu hút lao động vì tính năng động, linh hoạt và cả những con số về thu nhập.

Hiện nay, số bạn trẻ lựa chọn nghề sale để thử sức hoặc gắn bó sau khi ra trường rất lớn, quy tụ từ nhiều chuyên ngành khác nhau. Đối với người trẻ, nghề sale cho họ cảm giác tự do, phóng khoáng trong cách làm việc nhưng tự chủ về tài chính, thường xuyên học hỏi thêm nhiều kỹ năng cũng như kinh nghiệm trên thực tế.

Tuy nhiên, không hẳn ai bắt đầu với ngành sale cũng bằng sự hiểu biết về nghề, chấp nhận quả hoa hồng và “quả đắng” mà nghề mang lại. Một số khác lại cho rằng, làm sale là khi ai đó bế tắc trong sự nghiệp và buộc phải lựa chọn để có cái gọi là “nghề”, kiếm đồng ra đồng vào.

Những suy nghĩ trái chiều này cũng đủ để cho thấy, độ hot của ngành sale không tỷ lệ thuận về sự nhìn nhận của xã hội, tất nhiên, một số bạn trẻ cũng chịu ảnh hưởng bởi thực trạng này và dè dặt hơn.

Nghề sale

Để có cái nhìn tổng quan hơn về ngành sale, bao gồm cả sự thật và mặt trái, định hướng lựa chọn ngành sale phù hợp với khả năng; đừng bỏ qua bài viết dưới đây.

Ngành sale là gì?

Nghề Sale hay gọi với tên “thuần Việt” là bán hàng - kinh doanh. Đây là thuật ngữ dùng dùng để chỉ những người làm công việc liên quan đến bán sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của thương hiệu cho khách hàng có nhu cầu.

Người làm nghề Sale buộc phải đáp ứng được hai yêu cầu cơ bản: thứ nhất, hiểu về sản phẩm và thương hiệu mà mình bán. Thứ hai, hiểu khách hàng cần gì. Đây là hai yếu tố quyết định đến hiệu quả bán hàng. Tất nhiên, ngoài hai điều này, người làm sale cũng phải chủ động trong việc tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường để tăng doanh thu.

Theo đó, người làm sale có trách nhiệm thực hiện và phát triển các yêu cầu sau:

  • Giới thiệu, quảng bá, và bán sản phẩm/dịch vụ tới đối tượng khách hàng tiềm năng..
  • Thực hiện các phân tích giữa chi phí và lợi ích thu được cho khách hàng.
  • Thiết lập, duy trì và phát triển mối quan hệ bền vững với khách hàng.
  • Tiếp cận trực tiếp các khách hàng tiềm năng.
  • Giải quyết các vấn đề của khách hàng để tối đa hóa sự hài lòng.
  • Đạt được các KPI sẵn có của doanh nghiệp
  • Phối hợp tốt với các đồng nghiệp, phòng ban khác
  • Phân tích tiềm năng của thị trường, theo dõi và làm báo cáo bán hàng
  • Theo kịp các xu hướng quảng bá sản phẩm, dịch vụ mới nhất
  • Liên tục cải thiện trình độ, kỹ năng

Những sự thật về nghề sale

Nghề sale là nghề dựa vào kỹ năng giao tiếp rất nhiều, do đó, những người làm sale thường gây ấn tượng với vẻ ngoài chỉn chu, hoạt ngôn. Điều này dễ khiến cho người khác lầm tưởng rằng, làm sale vốn rất nhàn hạ, thu nhập cao, chỉ cần khéo nói là có thể thuyết phục được khách hàng. Tuy nhiên, giữa hàng ngàn nhân viên bán hàng, không hẳn ai cũng thành công bởi lẽ, trái với vẻ ngoài hào nhoáng, nghề tồn tại những sự thật “phũ phàng”.

Thu nhập nghề sale là bao nhiêu?

Như đã đề cập, rất nhiều quan điểm cho rằng nghề sale là nghề hái ra tiền, thu nhập khủng chỉ trong thời gian ngắn, làm vài tháng nhưng ăn cả năm. Có thể nói đây là nỗi oan lớn nhất mà bất kỳ người làm sale nào cũng gặp phải nhưng dường như chẳng thể thanh minh. Đúng là “ở trong chăn mới biết chăn có rận”.

Thực tế, thu nhập nghề sale không cao và có phần bấp bênh nếu đối chiếu dựa trên các chính sách lương thưởng hiện nay. Đặc thù của nghề này là doanh thu, mọi thứ đều được quyết định bởi số lượng sản phẩm bán ra và lợi nhuận thu về. Do đó, không bao giờ nghề sale có mức lương khởi điểm ở mức cao, trừ các vị trí quản lý hoặc điều hành,... Thu nhập của nhân viên sale tính theo công thức lương cứng + hoa hồng và tất nhiên, mỗi tháng họ khoản tiền lương cao hay thấp phụ thuộc rất lớn vào hoa hồng bán sản phẩm.

Nếu như các nhân viên văn phòng, khoảng cách thu nhập giữa người giỏi và trung bình trong cùng 1 cấp bậc khó có thể ở mức 20% nhưng với sale, con số này có thể lên đến hàng chục lần dù cấp bậc và số năm kinh nghiệm như nhau. Hoặc, thu nhập trung bình của 1 bạn làm sales cho công ty sữa khoảng 15tr/tháng và sales băng vệ sinh phụ nữ tối thiểu 9tr/tháng, với sale bất động sản cũng có thể dao động từ 30 - 40 triệu mỗi tháng.

Như vậy, thu nhập của nghề sale không có bất kỳ chuẩn mực nào cả. Tùy vào lĩnh vực, năng lực bán hàng, các nhân viên sẽ có mức thu nhập khác nhau; không thấp đều cũng chẳng cao đều, luôn có khoảng cách chênh lệch khá lớn về lương giữa các nhân viên trong ngành.

Sự thật về nghề sales

Khó khăn của nghề sales: những câu chuyện không tên

Những khó khăn của nghề sale không hẳn ai cũng hiểu nếu như chưa từng thử một ngày đặt mình vào vị trí của họ. Nghề sale dưới góc nhìn đơn giản chỉ là chào hàng - bán hàng, tuy nhiên, trên thực tế, để tiếp cận với khách hàng, đặt vấn đề với họ là cả một quá trình nan giải, thậm chí mất hàng tháng trời vẫn chưa chắc có được kết quả. Đối với người làm nghề sale, đằng sau con số về lương thưởng, thu nhập là chuỗi ngày dài của khó khăn.

Không hẳn khách hàng nào cũng là thượng đế: không hiếm khách hàng sử dụng thái độ lý sự, kênh kiệu với nhân viên sale. Những khách hàng này luôn đặt ra các yêu cầu khắt khe và có phần quá đáng, buộc nhận viên phải cung phụng mình, thậm chí không ngại dùng lời lẽ khó nghe, với lý do họ có quyền quyết định xem hợp đồng có được ký kết hay không.

Luôn phải xuất hiện với vẻ ngoài tươi tắn nhất: đặc thù của công việc này là vậy, lúc nào cũng phải trông thật vui vẻ, năng động, đầy nhiệt huyết. Tuy nhiên, trong cuộc sống không phải lúc nào chúng ta cũng thể vui vẻ, hạnh phúc. Sẽ có những lúc nhân viên bán hàng buộc mình phải diễn, phải “giả vờ” hạnh phúc để lấy lòng khách. Một nghiên cứu được tiến hành mới đây bởi Đại học quản lý Singapore cho thấy những người hạnh phúc không “thật tâm”, thường xuyên gồng mình để che giấu cảm xúc có thể dẫn đến lo lắng, mất ngủ và trầm cảm.

Phải cố gắng kiểm soát tất cả mọi thứ: điều này gần như là không thể nhưng khách hàng chẳng mấy bận tâm, họ cho rằng nhân viên sale có thể giải đáp và xử lý tất thảy mọi tình huống xảy ra. Thế nhưng, người sale không tự tay mình làm ra sản phẩm; họ cũng chỉ được đào tạo, truyền đạt lại mà thôi. Do đó, những gì họ cung cấp dựa trên sự hiểu biết và khả năng tiếp thu, không phải nhân viên sale nào cũng là chuyên gia biết tuốt.

Có thể bị “lơ” bất kỳ lúc nào: đằng sau câu nói “tôi sẽ liên hệ lại sau” là những tâm trạng đứng ngồi không yên của dân sale, chẳng khác gì may rủi trong đánh bạc. Hơn 90% là câu từ chối khéo của khách hàng, dân sales sẽ bị bỏ rơi và biết rằng không nên tốn thời gian chờ đợi vô ích làm gì. Thực lòng mà nói, những lời hứa hẹn này là điều mà dân trong nghề không muốn nghe nhất, chúng khiến họ cảm thấy hụt hẫng và có phần chán nản.

Luôn cạnh tranh về giá trị bản thân: dân sale hơn nhau ở chỗ sản phẩm họ bán ra có phải là giá tốt nhất không. Đừng quá chăm chăm nhìn vào doanh số, tiếp cận khách hàng là cần thiết nhưng quan trọng nhất vẫn là “bán mình”, bán những thông tin tư vấn của mình được giá nhất. Khách hàng chỉ chào đón những người mang đến sản phẩm hoặc dịch vụ có giá trị cho họ. Đây chính là cái khó của nghề sale, bán hàng nhưng không vì mục đích “bán hàng”, thay vào đó, mang tới giá trị mà khách hàng cần để đổi lấy tiền hoặc thành công cho mình.

Có thể thất bại bất cứ lúc nào: không có sự thành công tuyệt đối nào cho dân sale, ngay cả khi trông có vẻ như đã sắp hái quả ngọt. Từ “không” của khách hàng còn đáng sợ hơn rất nhiều thứ kinh dị khác, nó gần như kết thúc mọi hy vọng và nỗ lực của người bán hàng. Do đó, làm sale cũng phải vững tâm lý, rất nhiều trường hợp sẽ bỏ cuộc hoặc xuống tinh thần rồi sau đó bị đào thải chỉ bởi những thất bại không báo trước.

Áp lực nghề sale: mồ hôi và nước mắt

Chỉ tiêu và doanh số: với người làm sale, không gì có quyền năng thúc đẩy họ làm việc hơn những con số được ấn định cho mỗi tháng. Ban đầu có thể là động lực nhưng với quỹ thời gian hạn hẹp, thị trường khó khăn, chúng thực sự trở thành áp lực. Dân sale đôi khi làm việc thâu đêm, bất chấp giờ giấc để phục vụ khách hàng khi họ có nhu cầu liên hệ. Việc không hoàn thành chỉ tiêu về doanh thu có thể khiến thành tích của họ bị giảm, nghiêm trọng hơn là kết thúc công việc theo chính sách công ty đã quy định.

Nghề sale nhiều áp lực

Sự đào thải đáng sợ của nghề: ngành sale có thời gian đào thải rất nhanh, vài ngày hoặc vài tháng. Các cá nhân làm nghề phải không ngừng cố gắng, tạo ra sự khác biệt cho mình giữa đám đông và hơn hết tinh thần kiên trì, bám trụ đến cùng. Không có ngoại lệ hay bất kỳ ưu ái nào, người không chiến thắng được quy luật phát triển sẽ buộc phải rời đi.

Định kiến và sự nhìn nhận: nếu nghề tạo ra khó khăn áp lực thì những cách nhìn nhận ngoài kia về nghề sale càng khiến người trong cuộc cảm thấy sợ hãi. Nhiều người không thừa nhận, không coi trọng nghề sale. Vì vậy, muốn thành công trong nghề phải vững lòng, vượt qua dư luận để chứng minh giá trị của mình.

Định hướng: nên làm sale ngành nào?

Thực ra sẽ rất khó để đưa ra câu trả lời mang tính khẳng định bởi vốn dĩ sale tồn tại ở rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau; cũng giống như việc ai học ngành gì cũng có thể chọn nghề sale để phát triển. Do đó, thay vì đưa ra cho các bạn một lựa chọn cụ thể, Phú sẽ định hướng để các bạn quyết định theo năng lực và sở thích của mình.

Việc cân nhắc làm sale ngành nào dựa trên 3 góc độ:

  • Làm sale ngành mình thích
  • Làm sale ngành có thu nhập cao
  • Làm sale ngành đơn giản, ít chuyên môn

Làm theo sở thích có thể thu nhập không cao, làm ngành có thu nhập cao đôi khi không phù hợp với cá tính của mình, phải thay đổi và đánh đổi nhiều thứ; ngành đơn giản lại ít cơ hội thăng tiến, dễ nhàm chán. Mỗi lựa chọn đều mang ưu và nhược điểm riêng, quan trọng nhất vẫn là cá nhân thấy 1 trong 3 tiêu chí trên, tiêu chí nào có thể khiến bản thân hài lòng nhất.

Hiện có nhiều ngành Sale như Sale bảo hiểm, Bất động sản, mỹ phẩm, ô tô, giáo dục, ẩm thực, đồ uống,.. thậm chí là Sale tuyển sinh và Sale y tế. Bất cứ sản phẩm dịch vụ nào cũng cần sử dụng sale để bán hàng. Do đó, bạn có rất nhiều lựa chọn nhưng phải xem khả năng của bản thân đến đâu. Hoặc là tận dụng kiến thức đã học hoặc là chấp đầu tư thêm về tri thức để theo đuổi nghề sale ở lĩnh vực phù hợp.

Ngành sale tưởng chừng như đơn giản, phổ thông nhưng lại mang nhiều yếu tố chiều sâu, đòi hỏi người làm nghề những kỹ năng, kinh nghiệm phải hoàn thiện liên tục. Là nghề sôi động, có sức hút nhưng nếu muốn theo đuổi, bạn phải kiểu cặn kẽ bản chất, đừng chạy theo vì ham tài chính hoặc bề nổi hào nhoáng.

Xem thêm: