Trương Ngọc Phú - David Trương

Blog cá nhân chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư nhà đất, nghề bất động sản, trải nghiệm cuộc sống.

Dự đoán kịch bản của BĐS du lịch trong 2022

Có thể nói 2020 - 2021 là một năm không mấy thuận lợi cho BĐS du lịch, liệu rằng có kịch bản nào khả quan hơn trong thời gian tới?

Sự bùng phát Covid-19 trên diện rộng với những đợt giãn cách khiến thị trường nhà đất chững lại, nhiều hoạt động kinh tế bị đóng băng. Hạn chế trong việc đi lại, mở cửa các dịch vụ,... khiến ngành du lịch “chênh vênh”, kéo theo bất động sản nghỉ dưỡng cũng phủ màu xám. Năm 2022, với những chính sách và định hướng mới, các chuyên gia vẫn đặt kỳ vọng vào sự phục hồi ấn tượng của phân khúc này.

Du lịch gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh

Thời gian dài đóng băng vì dịch bệnh

Trong báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây nhất cho thấy những con số không mấy tích cực về bất động sản du lịch, cụ thể:

  • Vào quý 2/2021, nguồn cung mới khách sạn 4-5 sao và khu du lịch nghỉ dưỡng trên cả nước đều hạn chế. Một số dự án khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng đã phải lùi lịch khai trương do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19.
  • Về công suất thuê phòng, giai đoạn đầu quý 2 có tăng lên nhưng ngay sau đó, từ nửa cuối quý 2, dịch bệnh bùng phát trở lại, các doanh nghiệp lại tiếp tục gặp khó bởi sự sụt giảm mạnh.
  • Giá cho thuê bình quân phòng khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng giảm khoảng 20 - 25% so với quý trước, có nơi giảm 50-70% để tìm nguồn thu duy trì hoạt động nhưng vẫn không có khách.

Giai đoạn này, một trong những giải pháp tình thế, tăng tỷ lệ lấp đầy và cải thiện doanh thu là các khách sạn đăng ký làm địa điểm cách ly có trả phí. Tuy nhiên con số này cũng không đáng kể.

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng: “Phân khúc khó khăn nhất trong thời điểm dịch bệnh có diễn biến phức tạp là các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, condotel. Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ còn khó khăn khi dịch bệnh vẫn chưa thể kiểm soát, sẽ có những doanh nghiệp không còn tiếp tục duy trì được khi dịch bệnh kéo dài”.

Những kỳ vọng khả quan được đặt ra

Theo các chuyên gia, khả năng phục hồi của du lịch Việt Nam sau Covid-19 phụ thuộc rất lớn vào tiềm năng của ngành du lịch. Không thể phủ nhận, chúng ta sở hữu tiềm năng rất lớn từ vị trí địa lý, con người, cảnh quan, văn hóa và lịch sử, đặc biệt là văn hóa ẩm thực. Do đó, niềm tin vào sự trở lại của du lịch Việt Nam là rất lớn, vẫn có khả năng phát triển với tốc độ dẫn đầu khu vực và thế giới.

Kỳ vọng lạc quan vào bđs du lịch

Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội BĐS du lịch chia sẻ: "Theo tôi nắm được, có rất nhiều khách du lịch ở những thị trường quen của chúng ta như là châu Âu, Bắc Mỹ, khu vực Thái Bình Dương... đang rất mong chờ Việt Nam mở cửa để quay trở lại. Khách nội địa cũng vậy, sau thời gian bị nhốt ở nhà, mọi người đều có nhu cầu đi du lịch trở lại. Cái đó là một quy luật không chỉ riêng ở Việt Nam mà cả các nước trong khu vực".

Ông cũng hy vọng, bước sang 2022, khi vắc-xin đã được bao phủ trên thế giới cũng như Việt Nam đã đạt được miễn dịch cộng đồng, cơ hội đón khách trở lại thì mọi tiềm năng lại tiếp tục bùng nổ, thậm chí có những bước tiến vượt trội hơn trước.

Còn theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, với những chủ đầu tư đã sẵn sàng quỹ đất, đây chính là thời cơ của họ. Một dự án từ giai đoạn triển khai cho đến khi ra được sản phẩm thường mất 2-3 năm, khi thị trường bình ổn trở lại cũng là lúc nguồn cung sẵn sàng “bung” ra thị trường.

Nhìn nhận một cách lạc quan thì BĐS du lịch trong năm 2022 vẫn có cơ hội. Dịch bệnh ảnh hưởng chung đến kinh tế, khi đã thích nghi, có hướng đi đúng thì sự hồi phục chắc chắn sẽ khả quan.

Xem thêm: