Trương Ngọc Phú - David Trương

Blog cá nhân chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư nhà đất, nghề bất động sản, trải nghiệm cuộc sống.

Giá trị của Đồng tiền: ai làm chủ ai?

“Tiền chưa bao giờ và sẽ không bao giờ làm cho con người hạnh phúc. Bản chất của tiền không thể mang lại hạnh phúc. Càng có nhiều, càng ham muốn nhiều. Thay vì làm đầy, tiền lại tạo ra một cái máy hút bụi” - Benjamin Franklin

Tiền bạc về bản chất chỉ là công cụ để con người mua bán, trao đổi trong các giao dịch. Nhưng “ma lực” từ đồng tiền đang biến chúng từ thế bị động sang chủ động. Thay vì được sử dụng bởi ý chí con người, đồng tiền đang dần điều khiển trái tim, bộ não của họ dựa vào con quỷ của lòng tham. Có 1 ắt sẽ muốn 10. Và để thỏa mãn ham muốn ấy, chúng ta khó lòng kiểm soát được hành vi và lý trí.

Tiền thực sự là một vấn đề nhạy cảm. Dù có coi trọng hay không thì ở một góc độ nào đó, khi nhắc đến tiền, chúng ta cũng phải bất giác nhìn lại bản thân và có xu hướng thu mình nếu như kém cạnh một ai đó. Nhiều người có quan điểm cho rằng giàu có với họ chính là được làm chủ tài chính, nhưng số khác lại không. Với họ, giàu có đồng nghĩa với thật nhiều tiền; để có thật nhiều tiền, họ tìm mọi cách nhằm thỏa mãn lòng tham.

Nhưng suy cho cùng, tiền đơn thuần chỉ là một cách dự trữ giá trị dễ thay đổi. Bản thân nó không có giá trị. Chính cách hành xử của chúng ta sẽ tạo nên giá trị của đồng tiền. Tiền phản ánh cách nghĩ, nhận thức của người sử dụng.

Nói về giá trị dự trữ thì cuộc sống này có rất nhiều thứ khác tương tự như tiền bạc: thời gian, cảm xúc, kiến thức,... Vậy cớ gì mà đồng tiền lại được đem ra tung hô trong khi nó lại xếp chung với vô vàn điều giá trị khác. Mọi dự trữ giá trị đều có ý nghĩa lớn là mang lại hạnh phúc và sự trải nghiệm cho cá nhân sở hữu.

Vì vậy, có thể khẳng định rằng, sự giàu có không hẳn bắt nguồn từ đồng tiền; đó chỉ là kết quả có được sau một chặng hành trình nỗ lực. 

Tôi khá tâm đắc với một con nói trong bộ phim Fight Club: “những thứ mà bạn sở hữu cuối cùng sẽ sở hữu bạn”. Đó chính là bản chất của đồng tiền và thực trạng phổ biến hiện nay. Sự thực dụng đang kéo con người vào vòng xoáy lợi danh, đố kỵ giàu nghèo. Càng chạy theo những hư vinh và lầm tưởng về đồng tiền, chúng ta càng dễ đánh mất chính mình, trở thành nô lệ vô điều kiện cho những giá trị vật chất.

Đồng ý rằng, có tiền, cuộc sống sẽ phần nào nhẹ nhàng và đủ đầy hơn. Nhưng tiền bạc luôn tồn tại ở dạng hai mặt. Người hiểu thì vận dụng mặt “lành”, người mù quáng thì dễ “đứt tay” vì lưỡi dao ẩn mình trong nó. 

Trong triết lý nhà Phật, đồng tiền vẫn được khuyến khích tạo ra bởi việc làm chính đáng, nghĩa là một trong những thước đo về sự siêng năng, cần cù; bằng chính bàn tay và khối óc của mình; dùng lý trí để điều chỉnh mức độ ảnh hưởng của đồng tiền tới chính mình và các mối quan hệ xung quanh.

Ngày nay, dễ dàng nhận thấy, chữ tiền xuất hiện quá nhiều trong đời sống, thậm chí là tồn tại ngay giữa những thứ vốn dĩ đề cao cảm xúc. Tiền mua được quần áo, thức ăn, hàng hóa,... và mua được đánh giá, sự cảm nhận từ người khác. Chúng ta đang dần quên đi rằng, sự giàu có về vật chất chỉ đáp ứng các nhu cầu sống bên ngoài, những thứ thuộc về nội tâm, trí tuệ thì không một đồng tiền nào đủ sức mua được.

“Giá trị của đồng tiền: Ai làm chủ ai” là câu hỏi mà mỗi chúng ta nên tự vấn chính mình để kịp nhận ra trước khi quá muộn. Niềm vui mua được bằng tiền chưa bao giờ được thừa nhận như giá trị của sự hạnh phúc.

Xem thêm: