Trương Ngọc Phú - David Trương

Blog cá nhân chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư nhà đất, nghề bất động sản, trải nghiệm cuộc sống.

"Im lặng": chúng ta có đang hiểu đúng?

Im lặng vốn dĩ là một nghệ thuật giao tiếp; không dùng lời nói nhưng sự im lặng bao hàm rất nhiều tầng ý nghĩa. Đôi khi im lặng cho thấy sự tôn trọng nhưng trong một vài hoàn cảnh, nó lại có tác dụng ngược lại. Vậy “im lặng” nên “áp dụng” sao cho đúng?

Để nói về im lặng, có thể chia làm hai trường hợp: im lặng tiêu cực và im lặng tích cực. Điều này xuất phát từ việc, ở mỗi đối phương, hoàn cảnh, việc sử dụng sự im lặng để giao tiếp và bộc lộ cảm xúc sẽ mang một cách hiểu khác nhau. Và không hiếm tình huống, các bên buộc phải “đoán nghĩa” của sự im lặng nên rất dễ dẫn đến hiểu sai lệch, tạo ấn tượng không tốt cho mối quan hệ.

Khi nào cần đến sự im lặng?

Trả lời câu hỏi này, bạn sẽ vận dụng được sự im lặng một cách tích cực và tạo ra hiệu ứng tốt trong giao tiếp. Việc im lặng với đúng người, đúng thời điểm, đúng câu chuyện sẽ mang lại những kết quả không ngờ. Người biết cách im lặng luôn được đánh giá cao về kỹ năng giao tiếp và khả năng thấu hiểu người khác.

Bạn nên im lặng khi ai đó gặp buồn phiền, đau khổ. Thực sự với một tâm trạng quá mức tồi tệ, điều họ cần chỉ đơn giản là ai đó lắng nghe, ngồi bên cạnh để lấp đầy sự trống trải thay vì những lý lẽ phân tích đúng sai. Hoặc chỉ đơn giản, bạn im lặng để cho thấy bạn đang tôn trọng cảm xúc của người khác.

Khi ai đó đang làm việc, cần sự tập trung suy nghĩ, “im lặng là vàng”. 

Khi các bên không hiểu nhau. Nếu ai đó không hiểu hoặc không muốn hiểu những gì bạn đang nói thì tốt nhất nên im lặng để đừng làm lãng phí thêm thời gian. Ngược lại, với những vấn đề mình còn mơ hồ, im lặng lắng nghe cũng là giải pháp thông minh.

Khi không cần phải thể hiện quan điểm. Đơn giản như việc ai đó đang cố tình khoe khoang về sự hiểu biết của họ, bạn đâu nhất thiết phải lên tiếng; càng có kiến thức, càng biết cách giữ im lặng và tiếp thu. Hoặc trong trường hợp ý kiến của bạn có vẻ như không được hoan nghênh hay đang đi quá sâu vào đời tư người khác, tốt hơn hết, nên giữ im lặng.

Nhưng im lặng cũng là con dao hai lưỡi

Ở một lúc nào đó, im lặng cho thấy bạn là người biết lắng và tôn trọng; nhưng nếu giữ sự im lặng quá lâu trong những tình huống tiêu cực, có thể chính nó lại là nguyên nhân giết chết các mối quan hệ và thậm chí là chính bản thân mình.

Im lặng với nỗi buồn cho thấy tâm trạng chán nản, cùng cực. Khi bạn gặp phải những chuyện không mấy tốt đẹp, cả suy nghĩ và cảm xúc đều trong trạng thái bất ổn. Nếu có ai đó chấp nhận lắng nghe, hãy cố gắng tâm sự với họ. Nếu bạn cứ cố giữ cho mình sự tiêu cực ấy trong im lặng, lâu ngày sẽ trở thành gánh nặng chồng chất khó có thể giải thoát. Việc “kiệm lời” trong những tình huống này chỉ khiến bạn ngày càng thu mình lại trong thế giới đơn độc của mình.

Trong tình yêu, im lặng là rời xa nhau. Trong mối quan hệ này, các bên ít nhiều cũng phải trải qua những xu đột về quan điểm. Thay vì chọn cách thẳng thắn nói chuyện để hiểu nhau hơn, các bên lại chọn im lặng. Sự im lặng sai cách khiến vấn đề thêm trầm trọng và cứ thế, cảm xúc nhạt nhòa dần, các bên tự tách khỏi nhau lúc nào không nào không hay biết. 

Im lặng - nên chọn tình huống và đối tượng để áp dụng. Đừng để sự im lặng dẫn con người đi quá xa nhau. Im lặng không phải là cách để giải quyết tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống.

Xem thêm: