Trương Ngọc Phú - David Trương

Blog cá nhân chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư nhà đất, nghề bất động sản, trải nghiệm cuộc sống.

Làm chủ kế hoạch tài chính cá nhân

Đối với người trẻ, hướng đến khả năng tự do về tài chính là một trong những mục tiêu lớn để không ngừng nhắc nhở bản thân cố gắng. Tuy nhiên, liên quan đến tài chính, việc lao động để tạo ra thu nhập là chưa đủ, một kế hoạch tài chính cá nhân khoa học mới thực sự là cánh cửa để mở ra sự tự do về lâu dài.

Tự do tài chính không hẳn là việc ai đó phải thực sự giàu có; nhiều tiền và tự do tài chính là hai khái niệm hoàn toàn khác biệt. Tự do tài chính phụ thuộc vào yếu tố tâm lý nhiều hơn, rằng khi bạn quyết định làm việc gì đó mà không đặt nặng hay đắn đo về tài chính. Như vậy, chữ “đủ” của mỗi người bao nhiêu thì tự do về tài chính lại được hiểu theo chuẩn mực tương ứng. 

Một cách khách quan, tự do về tài chính sẽ là một phần trong việc tạo ra hạnh phúc của đời người, giúp cá nhân bớt căng thẳng và áp lực hơn trước nhiều quyết định. Do đó, ngay từ khi còn trẻ, chúng ta nên học cách làm chủ tài chính cá nhân để có khoản “dự trữ” về lâu dài.

Hiểu đúng về quản lý tài chính

Nhiều người cho rằng, chỉ khi nhiều tiền mới nên lên kế hoạch quản lý tài chính, bởi nếu chi tiêu chưa xoay đủ thì làm sao có thể phân chia thành khoản, dè xẻn sao cho có phần dư. Nhưng thực tế, suy nghĩ này lại khiến chúng ta nghèo càng nghèo bởi không hệ thống, không khi nhớ được các khoản chi tiêu, và rất nhiều khoản vô lý nằm trong đó.

Quản lý tài chính là con đường dẫn đến tự do về tài chính, vì vậy, dù thu nhập ở mức nào thì việc lên kế hoạch sử dụng, quản lý số tiền đó cũng đều cần thiết.

Lập kế hoạch tài chính cá nhân như thế nào

Với quản lý tài chính cá nhân, mục tiêu cuối cùng là chi tiêu ít hơn so với số tiền kiếm được. Điều này sẽ không hề dễ dàng khi cuộc sống nhiều cám dỗ, những khoản phát sinh không lường trước và bạn là người dễ “xiêu lòng”. Vì vậy, cần nghiêm túc lên kế hoạch theo các tiêu chí dưới đây.

Viết ra các mục tiêu để làm động lực

Thói quen vạch ra các đề mục công việc trong tuần, trong tháng cũng rất hữu ích trong việc lập kế hoạch tài chính. Bạn có thể viết ra những mục tiêu ngắn hạn hoặc dài hạn liên quan đến việc sử dụng tiền bạc của mình như:

  • Nhà cửa: mua nhà hoặc thuê nhà rộng rãi, tiện nghi hơn; trang trí lại không gian sống, thay đổi nội thất,...
  • Phục vụ nhu cầu bản thân: đi du lịch, mua sắm thiết bị tiện ích (máy tính, điện thoại, xe cộ,...), giải trí định kỳ,...
  • Cải thiện bản thân: các khóa học, sách kỹ năng,...
  • Mục tiêu khi về hưu: có vẻ hơi xa vời nhưng thực sự là cần thiết nếu bạn muốn có một tuổi già “vô lo”. Nên dành 10 đến 15% thu nhập mỗi năm để dành làm quỹ hưu trí cho bản thân.

Áp dụng phương pháp 50/30/20

Đây là phương pháp khá hữu ích cho những ai mới bắt đầu bởi tính thiết thực và dễ hiểu, dễ áp dụng của nó. Phương pháp này chỉ ra như sau:

  • Nhóm 50% bao gồm chi phí thiết yếu: những chi phí bắt buộc phải bỏ ra để duy trì cuộc sống như tiền nhà, điện nước, internet, ăn uống.
  • Nhóm 30% dành cho các chi phí linh hoạt: dùng cho mục tiêu liên quan đến nhu cầu bản thân như cà phê cùng bạn bè, sửa chữa vật dụng, mua thiết bị cá nhân mới,.. Ở nhóm này, chỉ trên chi tiêu khi thật cần thiết, nếu không thì nên cắt giảm để chuyển qua nhóm 20% còn lai.
  • Nhóm 20% dành cho tích lũy: khoản tài chính này có thể tiết kiệm, đầu tư sinh lợi, hoặc đầu tư cho giáo dục.

Ghi chép và tuân thủ nghiêm ngặt

Bạn nên có thói quen ghi lại các khoản chi tiêu để nắm bắt xem mình có “lố” tay ở khoản nào hay không và cần có biện pháp bù trừ giữa các nhóm tích lũy ở trên. Qua đó, bạn cũng có thể loại bỏ bớt những khoản không cần thiết.

Việc  quản lý tài chính là công việc dài hạn, vì vậy, cá nhân khi vạch ra kế hoạch cần nghiêm túc thực hiện, xem như đó là một trong những mục tiêu hàng tháng, hàng quý mình cần đạt được. Nếu có bất kỳ thay đổi nào về thu nhập, cần cập nhật và điều chỉnh lại bản kế hoạch cho phù hợp.

Xem thêm: