Trương Ngọc Phú - David Trương

Blog cá nhân chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư nhà đất, nghề bất động sản, trải nghiệm cuộc sống.

Nhà tuyển dụng cần điều gì ở ứng viên?

Đối với các ứng viên trẻ, mới “chập chững” đi làm, tham gia vào các cuộc phỏng vấn gần như là nỗi sợ hãi. Thậm chí, người nhiều năm kinh nghiệm, ở những buổi phỏng vấn quan trọng, tại các công ty, tập đoàn lớn cũng khó có thể vượt qua sự lo lắng. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng không hề đáng sợ như tưởng tượng? Không khí trong buổi phỏng vấn không hề quá căng thẳng hay áp lực nếu như ứng viên chuẩn bị tốt và thực sự hiểu nhà tuyển dụng cần gì ở mình.

Thực tế đã chứng minh, việc hiểu đối phương sẽ khiến bạn chủ động và tự tin hơn trong giao tiếp. Nó cũng giống như việc nói về vấn đề bạn biết và không biết, tất nhiên, những gì nằm trong tầm hiểu biết của mình cũng sẽ dễ dàng hơn. Nhà tuyển dụng cũng tương tự như vậy, việc bạn hiểu họ đến đâu đồng nghĩa với khả năng thuyết phục tương ứng. Hiểu về nhu cầu của nhà tuyển dụng được thể hiện ở sự chuẩn bị, trình bày và thái độ của bạn trong suốt quy trình.

Vậy những vấn đề nào được nhà tuyển dụng quan tâm đối với ứng viên?

Trình độ học vấn

Dù rất nhiều người nói rằng học vấn không quan trọng, chỉ cần làm được việc nhưng thực tế là khi nhìn vào CV, nhà tuyển dụng đều muốn biết họ học trường nào, tốt nghiệp chuyên ngành gì. Có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chuyên môn công việc nhưng chắc chắn sẽ tác động tới cách nhìn, cách khai thác thông tin của nhà tuyển dụng.

Vì vậy, nên trình bày mục học vấn trong CV một cách rõ ràng, ấn tượng và để lại những thông tin có giá trị nhất để thể hiện mức độ, khả năng hiểu biết của bạn.

Mục tiêu nghề nghiệp

Với những người có định hướng, lộ trình phát triển cụ thể, nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng nhận biết được họ có phù hợp với văn hóa và mục tiêu của doanh nghiệp hay không. Nếu như quá mù mờ về mục này, ứng viên thường không được đánh giá cao về khả năng tiến xa cũng như sự gắn bó với nghề, với công ty.

Hãy đưa ra mục tiêu nghề nghiệp ngắn gọn, dễ hiểu và đầy đủ nhất. Có thể đưa ra mục tiêu cụ thể về ngắn hạn cũng như dài hạn để nhà tuyển dụng dễ hình dung hơn.

Kinh nghiệm làm việc

Đây gần như là phần được nhà tuyển dụng tập trung vào khai thác nhiều nhất. Số năm làm việc, loại hình công việc sẽ phản ánh phần nào kỹ năng của ứng viên. Đây là phần sẽ trả lời cho câu hỏi vì sao nên chọn bạn thay vì những người khác.

Hai ứng viên cùng tốt nghiệp loại khá từ một trường, thụ hưởng một nền giáo dục, hệ thống kiến thức như nhau. Nhưng chắc chắn, ứng viên có số năm kinh nghiệm làm việc nhiều hơn, bắt đầu thực tập và trải nghiệm sớm hơn sẽ là người được chọn.

Vì vậy, ở mục này, ứng viên nên thành thật chia sẻ kinh nghiệm làm việc của mình. Tuy nhiên, hãy chỉ nên tập trung vào những công việc có đem lại giá trị rõ ràng. Dù cần chi tiết nhưng nếu mang quá nhiều công việc ngắn hạn, thời vụ có thể khiến nội dung chính khó được làm nổi bật.

Trình độ chuyên môn

Khác với học vấn ở trên, trình độ chuyên môn cho thấy bạn hiểu và có thể làm trên thực tế công việc đang ứng tuyển ở mức độ nào. Đó có thể dựa trên bạn làm trên thực tiễn hay các khóa học bổ trợ. Điều này sẽ cho thấy công ty cần bao nhiêu thời gian để có thể đào tạo bạn.

Cách đơn giản nhất để vượt qua là làm rõ trong mục kinh nghiệm ở trên, hoặc nghiên cứu trước, cố gắng trình bày tất cả những gì mình biết bằng thái độ tích cực, mong muốn học hỏi nhất có thể.

Thẳng thắn chia sẻ mong muốn

Nhà tuyển dụng sẽ không thích những ứng viên quá “xã giao”. Khi hỏi về mong muốn, họ thực sự cần biết ứng viên đặt kỳ vọng gì vào công việc này, lương thưởng chế độ ra sao bởi đây là một trong những yếu tố gần như quyết định đến việc chọn hay không. Dựa trên thông tin ứng viên cung cấp, nhà tuyển dụng cân nhắc với chế độ của công ty. Chỉ khi hai bên đạt được sự thỏa thuận, việc tạo ra giá trị lao động và việc trả lương mới có sự tương xứng với nhu cầu, khả năng từ các phía.

Xem thêm: