Trương Ngọc Phú - David Trương

Blog cá nhân chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư nhà đất, nghề bất động sản, trải nghiệm cuộc sống.

Nhảy việc: câu chuyện không của riêng ai

Hiếm một ai trung thành cống hiến với công ty, doanh nghiệp; chí ít một lần trong đời, chúng ta đều đã từng nghĩ đến “nhảy việc”. Thậm chí, với một số bạn trẻ, “nhảy việc” thường xuyên đến độ họ quá quen thuộc và không còn mấy lo ngại về vấn đề này.

Những ai có ý định “nhảy việc” đều mang trong mình mong muốn có một mức lương, môi trường và vị trí tốt hơn hiện tại. Tuy nhiên, những điều thuộc về nhu cầu, ham muốn của bản thân rất khó để có thước đo. Chính vì vậy, không làm chủ được định hướng của mình khiến bạn liên tục nhảy việc và hình thành nên sự gián đoạn trên con đường sự nghiệp.

Nhảy việc không tiêu cực nhưng chúng ta đừng vội vàng biến nó trở thành nguyên nhân của những hệ quả tiêu cực.

Khi nào bạn nên nhảy việc?

Nhiều nhân viên thật sự rất trung thành, họ hiểu bản thân và giá trị công ty mang lại nên thường chọn gắn bó. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bạn buộc phải “nhảy” để hướng đến sự tốt đẹp hơn khi có một trong những điều kiện dưới đây:

  • Không tìm thấy niềm vui và lòng đam mê trong công việc dù đã cố gắng
  • Tồn tại sự đối xử bất công giữa các nhân viên
  • Sếp “tồi”, không có khả năng lãnh đạo và điều hành.
  • Không có bất kỳ cơ hội học hỏi hay thăng tiến nào
  • Công ty thua lỗ, phá sản.

Dù muốn hay không thì những dấu hiệu trên cho thấy đã đến lúc bạn cần đi tìm một cơ hội mới vì việc ở lại của bạn không ai ghi nhận và cũng chẳng mang lại lợi ích gì cho chính mình.

Những sai lầm trong quyết định nhảy việc

Ngoài những điều kiện cần có cho một quyết định nhảy việc ở trên, nhiều nhân viên hiện nay chọn từ bỏ công việc hiện tại như một trào lưu và đầy cảm tính. Vì vậy, nhảy việc của họ không mang tính thay đổi mà chỉ đơn thuần là đang cố trốn chạy bởi những yếu tố rất chủ quan.

Nhảy việc để chối bỏ hiện tại

Khi gặp khó khăn trong công việc và một vài mâu thuẫn phát sinh ở chỗ làm, nhiều người sẽ bắt đầu chán nản, suy nghĩ tiêu cực và tìm cách thoát khỏi nó một cách nhanh chóng. Thậm chí, họ bỏ ngang và không quan tâm đến việc cân nhắc được mất. Một số người vì chán công việc nhưng lười tìm hiểu xem bản thân muốn gì nên vẫn cố bám trụ và lâu ngày trở thành thứ thói quen nhiều áp lực, buộc họ muốn vứt bỏ.

Vậy nên, đừng cố duy trì một công việc không có đam mê và cũng đừng từ bỏ khi chưa thử xem còn có cách nào khác để giải quyết hay không. Trốn chạy bây giờ thì sau này cũng có thể xảy ra, trong khi đó, mọi thứ vẫn tồn đọng, còn bạn thì loay hay tránh né.

Nhảy việc thiếu định hướng

Bạn muốn từ bỏ công việc hiện tại nhưng mong muốn gì ở một công việc mới, chính bạn cũng không hề hiểu rõ. Chuyên môn một đằng, lựa chọn một nẻo. Đa nhiệm là tốt nhưng nếu như cứ liên tục làm những công việc không liên quan đến khả năng của mình mà đơn thuần chỉ là “phép thử” khiến bạn cực kỳ mất thời gian nhưng không thu lại thành quả gì. 

Nên tự đặt cho mình câu hỏi bạn muốn phát triển kỹ năng nào ở bản thân, môi trường mong muốn là gì, chuyên môn của mình có thể liên quan tới những lĩnh vực nào, lĩnh vực đó về lâu dài có phù hợp với tính cách và kỳ vọng của mình hay không? Hãy “nhảy việc” một cách có chọn lọc để bản thân tận dụng tốt cơ hội.

Nhảy việc nhưng không có khoản tài chính dự trữ

Nhảy việc là một quyết định nhanh chóng nhưng cũng có thể là một quá trình. Không phải ai cũng may mắn “nhảy” đúng chỗ. Đôi lúc bạn sẽ mất hàng tháng trời để tìm thấy công việc mới. Chính vì vậy, nên chắc chắn tài khoản bạn đủ để chi tiêu cho ít nhất 3 tháng tới. Dù có sự chuẩn bị trước về các lựa chọn nhảy việc nhưng “người tính không bằng trời tính”, chưa chắc công việc đó đã chọn bạn. Thế nên, tài chính phải luôn sẵn sàng cho những tình huống ngoài dự đoán.

Xem thêm: